Dạo quanh thị trường mỹ phẩm của các nước châu Á

Hãy cùng dạo quanh châu Á tìm hiểu những thương hiệu mỹ phẩm làm đẹp đã trở thành niềm tự hào quốc gia và khám phá nhiều cái tên có thể bạn chưa biết.

Thị trường mỹ phẩm châu Á luôn nhộn nhịp và đầy cạnh tranh. Nếu Nhật Bản được xem là một thị trường lớn khá ổn định thì Hàn Quốc đang vươn lên với sự phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, không thể bỏ qua Ấn Độ và Thái Lan, nơi những người phụ nữ luôn coi việc làm đẹp là hơi thở.

1. Nhật Bản


Là quốc gia với ngành công nghiệp mỹ phẩm lâu đời nhất châu Á, Nhật Bản và những công thức làm đẹp của họ luôn được coi là chuẩn mực. Ngoài các thương hiệu mỹ phẩm lớn nổi tiếng toàn cầu như Shiseido, Shu Uemura và Kanebo, ở Nhật còn có vô vàn các nhãn hiệu khác nhỏ hơn, rất được người dân bản xứ ưa chuộng và chỉ lưu hành trong các cửa hàng nội địa.

Một đặc điểm nổi bật của mỹ phẩm Nhật là các tập đoàn lớn đều sở hữu các thương hiệu con nhằm hướng tới đối tượng tiêu dùng trẻ tuổi hơn. Ví dụ như Kate là một thương hiệu được quản lý bởi hãng mỹ phẩm nổi tiếng Kanebo, Maquillage và Majolica Majorca là những thương hiệu nổi tiếng thuộc tập đoàn Shiseido.


Sự cạnh tranh về chất lượng sản phẩm giữa các thương hiệu mỹ phẩm làm đẹp cao cấp và phổ thông ở Nhật rất quyết liệt. Với bao bì và chất lượng gần như không có khác biệt, các thương hiệu mỹ phẩm phổ thông ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước yêu thích.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nói đến những sản phẩm tiêu biểu của các hãng mỹ phẩm vừa và nhỏ. Khi nhắc đến thương hiệu Koji, các tín đồ làm đẹp sẽ liên tưởng ngay đến bút kẻ mắt nước không trôi Dolly Wink. Ngoài ra, nếu nói đến Canmake, không thể không nhắc phấn hồng với bao bì rất đáng yêu, hay Heroine Make rất nổi tiếng với mascara không trôi.

2. Hàn Quốc

Mặc dù là một thị trường mỹ phẩm trẻ và mới hơn Nhật Bản nhưng mức độ cạnh tranh của các hãng mỹ phẩm làm đẹp Hàn Quốc cũng quyết liệt không kém. Với sự trợ giúp của các ngôi sao ca nhạc và diễn viên nổi tiếng như Lee Hyori và Lee Young Ae, các thương hiệu của Hàn Quốc càng được biết đến nhiều hơn ở châu Á và ngày càng lan tỏa đến các nước phương Tây.


Khi nói đến mỹ phẩm Hàn Quốc, ta sẽ phải nhắc đến BB Cream. Bắt nguồn là một loại kem được bác sĩ thẩm mỹ sử dụng để bảo vệ da của các bệnh nhân sau phẫu thuật, BB Cream đã tạo nên một làn sóng và lập tức được các ngôi sao Hàn Quốc yêu thích. Vì thế, trên thị trường mỹ phẩm xứ Hàn có rất nhiều thương hiệu với dòng sản phẩm trang điểm chủ đạo là BB Cream như BRTC, Dr. Jart và Skin79.


Ngoài ra, một số hãng mỹ phẩm bắt nguồn là thương hiệu dưỡng da nhưng ngày càng lớn mạnh và đã có thêm cả mỹ phẩm trang điểm như Laneige, Skin Food, Missha và The Face Shop. Etude House, Clio, Tony Moly, VOV là những thương hiệu được biết đến với các sản phẩm trang điểm rất đa dạng. Clio có bút kẻ mắt nước Kill Black nổi tiếng do ca sĩ Lee Hyori quảng cáo. Đây là sản phẩm bán chạy nhất của Clio tại Hàn Quốc và trên thế giới.

Chuyên gia trang điểm cho các ngôi sao Lee Kyung Min cũng cho ra đời thương hiệu của mình mang tên Vidi Vici và gây ra tiếng vang lớn. Các sản phẩm dưỡng da và trang điểm của những thương hiệu này đều có chất lượng khá đồng đều và có màu sắc phù hợp với làn da châu Á.

3. Thái Lan


Là một nước Đông Nam Á, thị trường mỹ phẩm Thái Lan có nhiều nét tương đồng với thị trường Việt Nam cùng sự xuất hiện của các tập đoàn mỹ phẩm quốc tế như L’Oréal, Shiseido, P&G… Tuy nhiên, đất nước của những ngôi chùa còn có các thương hiệu mỹ phẩm “made in Thailand” với danh sách đầy đủ các sản phẩm từ phấn mắt, son môi đến phấn phủ và phấn nền. Giá của các mỹ phẩm nội địa này cũng vừa phải với chất lượng tốt và bao bì bắt mắt.


Oriental Princess là một thương hiệu được phổ biến rộng rãi tại Thái Lan. Bạn sẽ còn tìm thấy Cute Press, Camella và Sunway ở các tiệm bán mỹ phẩm. Các sản phẩm phấn nền và phấn phủ do các hãng mỹ phẩm Thái Lan sản xuất đều phù hợp với màu da của phụ nữ bản địa. Ngoài ra, các loại son môi và sơn móng tay đều có màu sắc sặc sỡ hơn các nước khác để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.

4. Ấn Độ


Cũng như Thái Lan, đa số mỹ phẩm được bày bán tại Ấn Độ cũng có xuất xứ từ phương Tây. Các thương hiệu như M.A.C, Lancôme, Clinique và Estée Lauder rất được ưa chuộng tại Ấn Độ. Riêng Maybelline và L’Oréal Paris còn có các sản phẩm trang điểm như phấn nền, phấn phủ và phấn mắt với công thức và màu sắc dành riêng cho thị trường này.

Ngoài ra, dòng sơn móng tay Street Wear trước đây được bán rộng rãi tại Mỹ đã được dời trụ sở đến Ấn Độ vì các màu sơn nóng bỏng và sặc sỡ được thị trường này đặc biệt ưa chuộng.


Tuy nhiên, không vì thế mà các thương hiệu mỹ phẩm truyền thống của Ấn Độ bị lép vế. Người phụ nữ Ấn Độ đã quen sử dụng chì kohl kajal truyền thống để kẻ mắt và sản phẩm này càng được biết đến nhiều hơn khi nhân vật Carrie Bradshaw (Sarah Jessica Parker thủ vai) sử dụng kohl kajal của hãng Blue Heaven trước khi đi chơi với người yêu cũ trong phim điện ảnh Sex and the City 2. Sau đó, không những kohl kajal của Blue Heaven đã trở nên nổi tiếng mà thương hiệu khác như Lakme và Color Bar cũng được biết đến nhiều hơn.

0 comments: